0

9 căn bệnh thường gặp vào mùa đông cùng cách phòng tránh

 

Thông thường từ cuối tháng 12 cho đến tháng 3, khí hậu miền Bắc Việt Nam sẽ trở nên lạnh giá do vào đúng mùa đông kéo theo nhiều căn bệnh liên quan tới đường hô hấp và xương khớp. Đây là 9 căn bệnh phổ biến trời lạnh mà bạn nên xem để chủ động phòng tránh và biết cách đề phòng.

20230203_zp52jqCyGQ6Fag1z.png

1. Cảm lạnh

Mỗi năm trẻ nhỏ mắc cảm lạnh khoảng 4-8 lần (đặc biệt trẻ dưới 6 tuổi) còn người lớn mắc khoảng 2-4 lần. Cảm lạnh xuất hiện khi cơ thể bị suy giảm sức đề kháng, bị các chủng virus tấn công với các triệu chứng điển hình như: hắt hơi, đau họng, chảy nước mũi trong, nghẹt mũi, khó thở, chóng mặt, đau đầu, sốt, ho,...

Bạn có thể phòng tránh cảm lạnh bằng cách rửa tay thường xuyên và đúng cách. Ngoài ra nên sử dụng khăn giấy một lần thay vì khăn tay.

2. Viêm họng

Viêm họng là cảm giác đau, ngứa hoặc rát cổ họng gây khó chịu khi nuốt, ảnh hưởng tới chất lượng ăn uống cùng cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Viêm họng thường diễn ra vào mùa đông. Một số bằng chứng cho thấy sự thay đổi nhiệt độ như đi từ một căn phòng ấm áp ra ngoài trời lạnh giá cũng là nguyên nhân gây bệnh. 

Biện pháp đơn giản nhất là súc miệng với nước muối ấm. Nước muối có tính chống viêm giúp làm dịu cổ họng đang viêm rát.

3. Hen suyễn

Hen suyễn (hen phế quản - Asthma) là một căn bệnh mãn tính của hệ hô hấp mà người bệnh sẽ phải đối diện với tình trạng khò khè, khó thở vô cùng khó chịu. Nguyên nhân do khi xuất hiện cơn hen suyễn, lớp niêm mạc của ống phế quản sẽ sưng lên làm thu hẹp các đường dẫn khí từ đó giảm lưu lượng không khí ra vào phổi. Không khí lạnh chính là yếu tố chính gây ra tình trạng này vì vậy người hay bị hẹn nên cẩn thận vào mùa đông. 

Nếu phải ra ngoài, bạn nên đeo khẩu trang và quàng khăn để che kín phần mũi miệng. Hãy tích trữ thêm các loại thuốc thông thường, đặc biệt là thuốc dạng xịt hoặc hít để làm thông mũi khi cần thiết nhé. 

4. Hội chứng Norovirus

Norovirus là một loại virus phổ biến gây viêm ở dạ dày - ruột. Nó có thể lây nhiễm quanh năm nhưng phổ biến hơn vào mùa đông, đặc biệt tại những địa điểm như khách sạn, bệnh viện, nhà điều dưỡng và trường học. Triệu chứng chủ yếu là nôn mửa, tiêu chảy trong vài ngày. 

Khi có biểu hiện của bệnh, bạn nên uống nhiều nước để tránh mất nước. Tốt nhất hãy uống nước bù điện giải.

5. Đau khớp

Nhiều người bị viêm khớp cho biết khớp của họ trở nên đau đớn và cứng hơn vào mùa đông dù không rõ nguyên nhân. Không có bằng chứng cho thấy sự thay đổi thời tiết gây ra những tổn hại chung đến khớp tuy nhiên có thể nói rằng khi trời chuyển lạnh, nhiệt độ hạ xuống thấp, cơ thể sẽ cố gắng dự trữ năng lượng. Khí lạnh vào da và làm mạch máu co lại ảnh hưởng tới quá trình lưu thông máu. Khi lưu thông máu kém sẽ khiến lưu thông dịch khớp cũng như máu nuôi khớp giảm đi, làm tổn thương sụn và màng hoạt dịch khớp, gây đau xương khớp.

Để giảm tình trạng đau khớp, khô cứng khớp, bạn nên tập thể dục hàng ngày kết hợp uống thuốc điều độ nếu đang mắc bệnh. 

>>> Xem thêm: Đau nhức xương khớp mùa lạnh và cách phòng tránh

6. Đau dạ dày

Đau dạ dày do lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương trong thời gian dài không được phát hiện và chữa trị dẫn đến viêm, loét với các biểu hiện đặc trưng như đau tức thượng vị, đầy bụng, khó tiêu, ợ chua, ợ hơi, chán ăn… Tình trạng bệnh diễn ra nặng nề hơn vào mùa đông. 

Để phòng tránh đau dạ dày, bạn nên tránh áp lực căng thẳng, cố gắng giữ tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái. Ngoài ra bạn nên tắm nước nóng, tập thói quen đi bộ hàng ngày hoặc xem những bộ phim yêu thích để thư giãn sau ngày dài học tập và làm việc mệt mỏi. 

7. Đau tim

Đau tim là biểu hiện của bệnh lý động mạch vành, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nước ta. Cơn đau tim thường xảy ra đột ngột, dữ dội nhưng cũng có khi lại bắt đầu với cảm giác nhẹ hoặc khó chịu ở ngực. Đặc biệt thường gặp vào mùa đông do thời tiết lạnh làm tăng huyết áp và gây nhiều áp lực hơn lên tim. Trái tim của bạn cũng phải làm việc nhiều hơn để duy trì nhiệt của cơ thể khi trời lạnh.

Để phòng tránh đau tim, bạn nên giữ ấm cho căn nhà đồng thời duy trì nhiệt độ phòng ở mức thấp nhất là 18 độ C. Khi tắm nên dùng nước ấm. Khi ra ngoài nên đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn và đeo găng tay đầy đủ 

8. Tay lạnh

Hiện tượng tay lạnh là một tình trạng phổ biến mỗi khi thời tiết lạnh khiến ngón tay và ngón chân thay đổi màu sắc (chuyển sang màu trắng, xanh, đỏ và sưng tấy) và trở nên rất đau đớn. Nguyên nhân do khí hậu khiến các mạch máu nhỏ ở bàn tay và bàn chân bị co thắt lại làm giảm lưu lượng máu đến tay và bàn chân.

Khi gặp phải tình trạng này, bạn nên tránh hút thuốc và uống cà phê đồng thời đeo thêm găng tay, vớ và đi giày để giữ ấm cho cơ thể khi ra ngoài nhé. 

9. Cúm

Cúm là một dạng bệnh nhiễm vi rút cấp tính, phát triển khi vi rút cúm lây nhiễm và tấn công vào hệ hô hấp đường mũi, cổ họng, các ống phế quản và có thể bao gồm cả phổi. Cúm phần lớn diễn biến nhẹ và người bệnh có thể tự hồi phục trong khoảng 2-7 ngày. Tuy nhiên ở một số trường hợp đặc biệt như người bị suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh mạn tính… cúm có thể trở nên nguy hiểm và gây ra các biến chứng nặng dẫn tới tử vong. Tại Việt Nam với nền khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa thì cúm thường xảy ra vào mùa mưa và mùa đông. 

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm là tiêm vắc xin. Ngoài ra bạn nên chủ động thăm khám và uống thuốc theo chỉ dẫn bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh. 




 

5/5 - (9 bình chọn)

CAM KẾT CỦA

VISPO

Bảo Hành 6-12 Tháng

Giao Hàng Toàn Quốc 2-3 Ngày

Đổi Mới Trong 7 Ngày

© 2021 Vispo. All rights reserved