0

Tổng hợp 15 phong tục ngày Tết cổ truyền của người Việt - Cập nhật năm 2023

Tổng hợp 15 phong tục ngày Tết cổ truyền của người Việt - Cập nhật năm 2023

Với người Việt Nam, tết Nguyên đán là dịp lễ lớn nhất trong năm, là lúc để con cháu nơi xa trở về quê hương sum họp bên gia đình. Trải qua bao nhiêu năm, những phong tục cổ truyền của người Việt vẫn còn đó, trỗi dậy tinh thần dân tộc cùng sự biết ơn tới tổ tiên. 

Dưới đây là những phong tục ngày Tết cổ truyền của người Việt. Xem ngay để hiểu hơn về truyền thống đồng thời đón một năm mới hạnh phúc đủ đầy hơn nhé. 

phong-tuc-ngay-tet

1, Cúng ông Công, ông Táo

Theo truyền thống, ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm là ngày ông Công, ông Táo chầu trời để báo cáo mọi việc trong nhà của gia chủ với Ngọc Hoàng. Sau khi nghe báo cáo, Ngọc Hoàng sẽ đưa ra những thưởng phạt cho gia chủ trên những gì mà ông Công, ông Táo báo cáo. Nếu muốn có những tấu chương thật đẹp để không bị trách phạt thì gia chủ cần dọn dẹp sạch sẽ nhà bếp, mua cá vàng cùng đồ thờ cúng để tiễn ông Công, ông Táo về trời đúng ngày nhé. Sau khi thắp hương xong thì đem thả cá ra những khu vực có nước như ao, hồ, sông, suối. Chú ý thả nhẹ nhàng gần nước, tránh vứt cá từ trên cao xuống và tuyệt đối không ném cả túi nilon xuống nước. 

phong-tuc-ngay-tet

 

phong-tuc-ngay-tet

2, Tảo mộ, thăm mộ tổ tiên

Cứ đến cuối năm, từ ngày 23 tháng chạp đến ngày 30 tháng chạp hàng năm, con cháu nhà nhà lại đi thăm và quét dọn mộ tổ tiên. Đồng thời mang thêm hương và hoa quả đến cúng và mời vong linh tổ tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu. Phong tục này đã từ có lâu thể hiện lòng hiếu đạo, sự thành kính đối với đấng sinh thành và những người đã mất, cũng chính là truyền thống uống nước nhớ nguồn, đạo lý của dân tộc Việt Nam.

phong-tuc-ngay-tet

3, Dọn dẹp nhà cửa

Dọn dẹp nhà cửa là hoạt động không thể bỏ qua của các gia đình cứ mỗi dịp năm mới đến. Hoạt động này không chỉ để trang hoàng nhà cửa đón Tết mà còn mang ý nghĩa sắp xếp và xóa bỏ những điều chưa ổn thỏa của năm cũ để chào đón năm mới với nhiều thuận lợi, thành công và may mắn hơn. Thành ngữ có câu: “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”.

phong-tuc-ngay-tet

4, Gói bánh chưng bánh tét

Bánh chưng, bánh tét là một phần không thể thiếu trong nét đẹp văn hóa của người Việt. Hằng năm cứ 27, 28, 29 Tết là nhà nhà lại quây quần cùng gói bánh chưng, bánh tét. 

Trong đó, bánh chưng có hình vuông được sử dụng phổ biến tại miền Bắc còn bánh tét có hình trụ được dùng nhiều tại miền Nam. Tuy hình dáng khác nhau nhưng nguyên liệu lại hoàn toàn giống nhau, tượng trưng cho nền văn hoá lúa nước lâu đời của người Việt. 

Thời gian gói cùng trông nồi bánh chưng bánh tét đủ lâu để mọi người cùng ôn lại những kỷ niệm hoặc kể cho nhau nghe về một năm cũ, hy vọng cho một năm mới vuông vức, tròn đầy và sung túc hơn. 

phong-tuc-ngay-tet

5, Dựng cây nêu

Dựng cây nêu tuy không còn là truyền thống phổ biến tại nhiều gia đình, vùng miền nhưng Vispo vẫn muốn chia sẻ để bạn đọc hiểu hơn về phong tục truyền thống. Tương truyền hàng năm cứ đến năm mới là ma quỷ lại đến phá đám và để xua đuổi chúng cùng những điều kém may mắn thì người xưa thường dựng cây nêu trước cửa nhà báo hiệu nơi đây có chủ, ma quỷ không được tới quấy nhiễu. 

Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5 - 6 mét, treo nhiều thứ trên ngọn cây như giấy vàng bạc, bùa trừ tà, bầu rượu bện bằng rơm, cạnh đó treo thêm một cái đèn lồng đèn nhỏ vừa mang ý nghĩa xua đuổi tà ma vừa mang ý nghĩa soi đèn để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Thường thì cây nêu sẽ được dựng từ ngày 23 tháng Chạp đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng.

phong-tuc-ngay-tet

6, Chợ Tết

Chợ Tết bao giờ cũng đông vui và nhộn nhịp hơn hẳn so với những phiên chợ ngày thường. Mọi người đi chợ Tết để sắm sửa thêm đồ thiết yếu cùng đồ ăn tích trữ đầu năm vì nhiều nơi thường ngừng họp chợ trong Mùng 1, mùng 2 và mùng 3 Tết. Không ai muốn thiếu lương thực hoặc tiêu tiền trong những ngày này. Bên cạnh đó, nhiều người còn muốn đi chợ Tết để gặp mặt trò chuyện những người thân quen, tận hưởng cái không khí náo nhiệt trong những ngày Giáp Tết. 

Nơi đây cũng bày bán nhiều hoa tết, cây tết như đào, quất, mai, lan… để mọi người mua về trang trí, chào đón xuân sang. 

phong-tuc-ngay-tet

 

phong-tuc-ngay-tet

7, Biếu Tết

Quả thật cứ mỗi khi Tết đến là con cháu lại có thói quen biếu Tết ông bà cha mẹ với lời chúc tốt đẹp để tỏ lòng biết ơn, trân trọng và yêu thương. Song, việc chọn một món quà ý nghĩa tặng cho ông bà cha mẹ ngày Tết không phải điều dễ dàng. Bạn nên cân nhắc để phù hợp với kinh tế của bản thân cùng mong muốn của người tặng nhé. Đây là những món quà Tết ý nghĩa mà Vispo có thể gợi ý cho bạn:

  • Giỏ quà Tết

  • Cây cảnh, hoa Tết

  • Quần áo mới

  • Thiết bị massage chăm sóc sức khoẻ

  • Đồ phong thuỷ

  • Đồ gia dụng

  • Chuyến du lịch

phong-tuc-ngay-tet

 

phong-tuc-ngay-tet

 

phong-tuc-ngay-tet

>>> Xem thêm: Tặng gì cho ông bà cha mẹ ngày Tết? Gợi ý 9 món quà ý nghĩa nhất

8, Bày mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả là thứ đồ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên trong những ngày Tết của người Việt. Mỗi vùng miền lại có cách bày cùng những loại quả khác nhau nhưng đều tượng trưng cho một năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc, an khang, phú quý, đầy đủ và sung túc hơn.

phong-tuc-ngay-tet

9, Đón giao thừa

Giao thừa là khoảnh khắc vô cùng thiêng liêng và đặc biệt, là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đón giao thừa diễn ra từ 12h đêm hôm cuối cùng của năm và có thể kéo dài khoảng 15-30 phút hoặc lâu hơn tuỳ vào sự kiện pháo hoa hoặc tổ chức của từng gia đình. Đón giao thừa mang ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới. Lễ cúng giao thừa phải được thực hiện ở ngoài trời, thường gồm 1 con gà trống luộc, 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, hoa quả…

phong-tuc-ngay-tet

10, Làm lễ cúng Tổ tiên

Theo phong tục người Việt thì hầu hết gia đình sẽ có 1 bàn thờ tổ tiên và cứ đến cuối năm là sẽ được trang trí, sắp đặt bánh kẹo, trái cây để dâng thờ. Tuỳ từng địa phương, từng gia đình mà sẽ có lễ cúng khác nhau. Có nhà cúng 3 ngày Tết, mỗi ngày 1 bữa. Có nhà cúng cả vào trưa hoặc chiều ngày cuối năm nhưng có nhà chỉ cúng 1 lần cho năm cũ và 1 lần cho năm mới. Dù lễ cúng có khác nhau nhưng vẫn thể hiện giá trị nhân văn, đạo đức, lối sống của người Việt.

phong-tuc-ngay-tet

11, Xông đất 

Kể từ khi giao thừa bước sang một năm mới, gia chủ thường chọn người xông đất. Người đó phải là người hợp tuổi với gia chủ để cả năm gặp nhiều may mắn và thuận lợi hơn. Tốt nhất nên gửi lời mời với tâm thế trân trọng để cả hai cùng vui vẻ nhé. 

phong-tuc-ngay-tet

12, Xuất hành đầu năm

Nghe có vẻ cầu kỳ nhưng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, chính vì vậy bạn nên chọn hướng, chọn giờ cùng các phương tiện để ra khỏi nhà trong ngày mùng 1 tháng Giêng nhé. Nếu được thì nên chọn màu sắc quần áo cho hợp mệnh. 

phong-tuc-ngay-tet

13, Chúc Tết và Mừng tuổi

Nhắc đến Tết thì không thể bỏ qua màn chúc Tết và lì xì mừng tuổi. Trong những ngày đầu năm, con cháu thường sang nhà ông bà, cha mẹ cùng họ hàng nội ngoại để chúc Tết, cầu chúc cho mọi người thêm nhiều sức khoẻ, may mắn và bình an hơn. Sau đó, người lớn sẽ chúc lại kèm một phong bao lì xì đỏ. Tiền trong bao lì xì không quan trọng ít hay nhiều mà ý nghĩa ở nét văn hóa, nó tượng trưng cho tài lộc, cùng sự may mắn cho cả người cho lẫn người nhận.

phong-tuc-ngay-tet

14, Đi lễ chùa

Đi lễ chùa đầu năm được coi là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam cầu mong cho một năm mới may mắn, hạnh phúc, đồng thời tỏ lòng thành kính đối với Đức Phật, tổ tiên. Nhiều người thích đi lễ chùa đầu năm vì khiến bản thân trở nên thanh tịnh, thư giãn hơn, gột rửa những điều cũ và bắt đầu cho một năm mới với những điều may mắn, tốt đẹp.

phong-tuc-ngay-tet

15, Xin chữ đầu năm

Xin chữ đầu năm cũng là một nét đẹp của người Việt trong đầu xuân năm mới. Mọi người thường xin chữ khác nhau với những mong muốn khác nhau nhưng tất cả đều mong một năm mới vạn điều mới, mọi sự tốt lành, gia đình con cái hòa thuận, êm ấm, đạt được những thành công trong cuộc sống.

phong-tuc-ngay-tet

Trên đây là 15 phong tục ngày Tết cổ truyền mà Vispo tổng hợp chia sẻ tới bạn đọc. Hi vọng qua bài viết này, bạn đọc có thêm nhiều kiến thức, hiểu hơn về truyền thống dân tộc đồng thời thấy yêu những phong tục tuyệt đẹp này hơn. 

 

5/5 - (9 bình chọn)

CAM KẾT CỦA

VISPO

Bảo Hành 6-12 Tháng

Giao Hàng Toàn Quốc 2-3 Ngày

Đổi Mới Trong 7 Ngày

© 2021 Vispo. All rights reserved